Mình là người rất ưa thích các sản phẩm làm đẹp hoặc các mẹo làm đẹp tự nhiên. Giấm táo đã từng là thành phần trị mụn "cạ cứng" của mình trong một thời gian dài. Tác dụng trị mụn của giấm táo rất tốt nhưng với kinh nghiệm của một người đã từng sử dụng, mình khuyên bạn không nên sử dụng thành phần này để trị mụn.
![]() |
Không nên sử dụng giấm táo để trị mụn |
Cũng giống như Baking soda trong tẩy da chết, chúng ta không thể vì một cái gì đó hoạt động tốt mà sử dụng nó bừa bãi. Baking soda có thể tẩy tế bào chết trên da nhưng sau đó để lại những vết đỏ, bong tróc và kích ứng. Đối với giấm táo cũng vậy! Ngoài tác dụng trị mụn hiệu quả thì với độ pH thấp nó cũng có thể để lại trên da bạn những vết nám.
Giấm táo là gì và nó có tác dụng gì đối với làn da?
Giấm táo là sản phẩm nước ép lên men từ táo nghiền tạo ra rượu. Sau đó rượu này gặp vi khuẩn ăn rượu và thải ra chết cặn bã là acid acetic. Chính acid này tạo cho giấm táo độ pH thấp.
Giấm táo được sử dụng trên làn da với 2 tác dụng chính:
- Tẩy da chết: Acid Acetic trong giấm táo đẩy nhanh quá trình tẩy tế bào chết tự nhiên của da để tế bào chết không bị tắc nghẽn lại trong lỗ chân lông tạo ra mụn.
- Cân bằng độ pH của da: Độ pH của lớp màng acid bảo vệ da khoảng 4,4 - 5,5. Khi bạn rửa mặt quá nhiều hoặc với sữa rửa mặt có tính kiềm mạnh sẽ làm độ pH của da tăng lên, hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ gây ra nhiều tác hại như khô da và viêm. Lúc này giấm táo sẽ đóng vai trò như là toner để cân bằng độ pH, bảo vệ lớp màng acid.
Giấm táo có trị mụn tốt không?
Về lý thuyết, giấm táo là một thành phần trị mụn tự nhiên khá hoàn hảo vì những lý do sau đây:
1. Giấm táo giữ lỗ chân lông thông thoáng và giúp loại bỏ vi khuẩn gây mụn
Như các bạn đã biết thì tắc nghẽn lỗ chân lông là một trong các nguyên nhân gây nên mụn. Khi quá trình tẩy da chết tự nhiên không được diễn ra bình thường, các tế bào chết sẽ rơi vào lỗ chân lông, ở đây chúng kết hợp với dầu thừa trên mặt bạn tạo thành bã nhờn gây tắc nghẽn. Bã nhờn này chính là "thức ăn" ưa thích của vi khuẩn P.Acnes (vi khuẩn gây mụn).
Với khả năng tẩy da chết từ thành phần Acid Acetic, giấm táo giúp các tế bào chết bong ra nhanh hơn, tiêu sừng và giảm tắc nghẽn lỗ chân lông, từ đó hạn chế mụn xuất hiện.
2. Giấm táo tiêu diệt vi khuẩn gây mụn
Vi khuẩn gây mụn P. Acnes không chỉ cần thức ăn để phát triển, nó cũng cần độ pH 6 - 7. Trong khi giấm táo có độ pH khoảng 2 - 3, với độ pH thấp như vậy, vi khuẩn gây mụn sẽ gần như không thể phát triển.
Sử dụng giấm táo để trị mụn có an toàn không?
Nhờ tác dụng làm sạch lỗ chân lông và kìm hãm vi khuẩn phát triển ở trên mà nhiều người nghĩ giấm táo là một thành phần trị mụn tuyệt vời. Thực ra không phải như vậy!
Độ pH thấp của giấm táo giúp kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn nhưng khi được bôi lên da cũng sẽ có thể gây nên tình trạng viêm, kích ứng và nổi mụn (phản tác dụng). Nếu nặng nhất, giấm táo có thể gây bỏng da.
Một số bạn sẽ liên tưởng đến việc Vitamin C hay Acid Glycolic cũng cần độ pH thấp để có thể phát huy tác dụng. Nhưng có một sự khác nhau ở đây đó là chúng được các nhà sản xuất pha chế theo một quy trình nghiêm ngặt để có độ pH 3,4 - 3,8.
Khi sử dụng giấm táo nguyên chất 100%, độ pH 2 - 3 sẽ gây kích ứng hoặc bỏng da. Do đó, nếu bạn vẫn muốn sử dụng, hãy pha loãng nó và sử dụng giấy đo pH để kiểm tra. Theo kinh nghiệm của mình, độ pH 4 là mức tốt nhất bạn cần nhắm đến, nó không quá thấp để gây nên kích ứng nhưng đủ để kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn P. Acnes.
![]() |
Nếu vẫn muốn sử dụng giấm táo, hãy pha loãng nó để có độ pH bằng 4 |
Tại sao không nên sử dụng giấm táo để trị mụn (và nên dùng gì thay thế)
Sử dụng giấm táo pha loãng để trị mụn có thể sẽ không gây kích ứng hay bỏng da nhưng mình vẫn không khuyến khích bạn làm điều này.
Có một lý do khiến Acid Acetic (thành phần chính tạo nên tác dụng của giấm táo) không xuất hiện trong các sản phẩm làm đẹp mặc dù rất rẻ là vì nó không hoạt động tốt bằng các loại Acid tẩy da chết khác.
Các lựa chọn thay thế tốt hơn là:
- Acid glycolic: Thuộc nhóm tẩy da chết AHAs. Nó làm mờ vết thâm do mụn để lại nhanh hơn tất cả các loại acid khác.
- Acid salicylic: Tẩy da chết BHA. Nó đi sâu vào bên trong lỗ chân lông, loại bỏ tất cả các tế bào chết và dầu thừa gây tắc nghẽn. Nếu bạn bị mụn trứng cá, các sản phẩm Acid salicylic (BHA) sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo.
Kết luận
Tác dụng trị mụn của giấm táo là có thật nhưng với điều kiện bạn phải pha loãng nó để đạt độ pH an toàn và không gây kích ứng, bỏng rát. Nói chung sử dụng giấm táo để trị mụn là khá rủi ro với những bạn chưa có kinh nghiệm mà hiệu quả của nó mang lại không quá vượt trội. Tại sao lại sử dụng nó khi có những lựa chọn khác thay thế tốt hơn nhiều?
Bạn đã thử giấm táo trị mụn chưa? Chia sẻ kinh nghiệm của bạn trong các bình luận bên dưới nhé!