Độ pH của da và sản phẩm chăm sóc da là yếu tố cơ bản và gần như là cốt lõi trong Skincare. Nhưng đồng thời nó cũng là yếu tố dễ bị coi thường và bỏ qua nhất. Nếu bạn nắm được và vận dụng nó, bạn có thể tự cứu mình khỏi những thất bại lớn, tránh được các đợt kích ứng nghiêm trọng và chăm sóc da đạt hiệu quả hơn cũng như chữa khỏi mụn nhanh hơn gấp nhiều lần.
![]() |
Độ pH của da và sản phẩm chăm sóc da là yếu tố cơ bản và gần như cốt lõi trong Skincare |
Độ pH da là yếu tố rất quan trọng để duy trì sự ổn định của hàng rào bảo vệ da. Nhờ có nó, bạn sẽ biết được sản phẩm nào phù hợp với mình, sản phẩm nào không, nên bôi và không nên bôi những gì lên mặt. Thật không ngoa khi nói rằng, chỉ cần nắm được yếu tố pH trong skincare thôi thì cũng đã đủ để cho làn da của bạn cảm thấy "an toàn và hạnh phúc" mà chẳng phải lo lắng gì. Nếu độ pH đã thần thánh như vậy, hãy cùng chúng mình tìm hiểu qua bài viết dưới đây để biết rõ hơn nhé!
PH là gì?
Trong chương trình hóa học trung học và phổ thông, bạn đã biết đến khái niệm pH. Về cơ bản, nó là viết tắt của "Power of Hydrogen" hoặc "Potential of Hydrogen" - có nghĩa là "sức mạnh của hydro", là phép đo nồng độ của ion hydro trong một dung dịch. Nói đơn giản, nó cho thấy mức độ "Acid" hoặc "Bazơ" của một chất so với nước cất (có độ pH trung tính là 7,0).
![]() |
Độ pH cho thấy mức độ Acid hoặc Bazơ của một chất so với nước cất (có độ pH trung tính là 7,0) |
Các chất có độ pH dưới 7,0 được coi là có tính acid và các chất có độ pH trên 7,0 được coi là có tính kiềm hoặc bazơ. Về cảm nhận vị giác, acid có vị chua và bazơ có vị đắng.
Ví dụ: Nước chanh có vị chua vì nó chứa khoảng 5% acid citric có độ pH là 2,2 (có tính acid cao). Mặt khác, baking soda có vị đắng vì nó có độ pH là 9,0 (có tính kiềm cao). Những chất có độ pH quá cao hoặc quá thấp nói chung và nước chanh, baking soda nói riêng là những thế bạn "KHÔNG BAO GIỜ" được bôi trực tiếp lên mặt. Xem thêm "Tại sao không nên sử dụng nước chanh lên da?", "Tại sao không nên sử dụng baking soda để tẩy tế bào chết?"
Sau đây là một số ví dụ phổ biến nhất về các chất acid và bazơ:
- pH 1 = Acid trong pin, acid HCl
- pH 1,5 - 3,5 = Acid dạ dày (trong dạ dày)
- pH 2 = Nước chanh
- pH 3 = Nước giải khát (có thành phần acid điều vị)
- pH 3,4 = Giấm trắng chưng cất
- ph 3.5 = Nước cam
- pH 4.5 = Bia
- pH 5,0 = Trà và cà phê
- pH 5.5 = Nước mưa
- pH 6.2 – 7.4 = Nước bọt
- pH 6.8 = Sữa
- pH 7 = Nước cất (có độ pH trung tính)
- pH 7.4 = Máu người
- pH 9 = Baking Soda
- pH 9 = Nước biển
- pH 9,0-10,0 = Xà phòng và chất tẩy rửa
- pH 10,5 = Sữa magie (dùng để chữa táo bón)
- pH 11,5 = Amoniac gia dụng
- pH 12,6 = Thuốc tẩy gia dụng
- pH 14 = Xút Lye (Natri Hydroxit)
![]() |
Độ pH của một số chất thường gặp |
Tại sao pH lại quan trọng trong việc chăm sóc da?
Da của chúng ta được bảo vệ bởi một lớp "Acid mantle" hay còn gọi là "lớp màng acid". Lớp màng này được tạo thành từ mồ hôi, dầu nhờn và tế bào chết, là nơi trú ngụ của các vi khuẩn vô hại. Thành phần của lớp màng acid gồm các acid béo, acid pyrrolidine cacboxylic, acid amin... và rất nhiều chất khác nữa.
Lớp màng acid này là thứ tạo nên độ pH cho da của chúng ta, giá trị pH dao động từ 4,5-5,5 và trung bình là 4,7. Nó bảo vệ da khỏi vi khuẩn, nấm, bụi bẩn và các chất ô nhiễm từ môi trường. Ngoài ra còn có tác dụng dưỡng ẩm, làm cho da mềm mại, ngậm nước.
![]() |
Da của chúng ta được bảo vệ và giữ ẩm bởi một lớp màng acid có độ pH 4,5-5,5 |
Chính vì sự quan trọng của lớp màng acid, nếu nó bị phá hủy sẽ dẫn đến hàng loạt tình trạng và bệnh lý như khô da, viêm nhiễm, viêm da dị ứng, da nhạy cảm, mụn trứng cá, viêm nang lông...
Da có giá trị pH dưới 5,0 sẽ khỏe mạnh hơn, ngậm nước hơn và có hàng rào bảo vệ mạnh mẽ hơn so với da có độ pH trên 5,0.
Điều gì làm thay đổi độ pH và phá vỡ lớp màng acid trên da?
Các nguyên nhân chính dẫn đến lớp màng acid bị phá hủy gồm: vi khuẩn, chất ô nhiễm, bụi bẩn, sự tắc nghẽn quá mức, xà phòng, sữa rửa mặt, thậm chí kể cả nước. Đúng! bạn không nghe nhầm đâu, nước có thể thay đổi pH da và phá vỡ lớp màng acid. Nhưng bạn đừng nên quá lo lắng, hãy để mình giải thích.
![]() |
Thay đổi độ pH của da sẽ làm phá hỏng lớp màng acid bảo vệ |
Như đã nói ở trên, độ pH trung bình của lớp màng acid là 4,7 (tức là có tính acid). Do đó, bất kỳ thứ gì có độ pH cao hay tính kiềm sẽ thay đổi độ pH và phá vỡ lớp màng này. Mặc dù, nước không gây hại, nhưng "nước cứng" thì lại khác. Nước cứng là nước máy có hàm lượng khoáng chất cao khiến nó có độ pH 8,5 trở lên.
Đây là lý do tại sao nước micellar water được phát minh! Vào những năm 90, thủ đô Paris của Pháp có nguồn nước nổi tiếng là "nước cứng". Vì vậy, các nhà khoa học của Bioderma đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm micellar water - một loại nước tẩy trang giúp làm sạch dầu nhờn, bụi bẩn, không gây kích ứng, không cần rửa lại bằng nước và không cần toner lại để cân bằng pH.
Nếu bạn không biết micellar water là gì hoặc muốn biết nó hoạt động như thế nào, hãy xem bài viết này của mình nhé: Micellar water trong chăm sóc da.
![]() |
Micellar water được phát minh để thay thế và giải quyết tác hại của nước cứng khi rửa mặt và tẩy trang |
Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất phá hủy lớp màng acid bạn cần phải chú ý đó là sữa rửa mặt. Nếu như bạn để ý, sau mỗi lần sử dụng sữa rửa mặt, da bạn sẽ có cảm giác rất rít - đó là dấu hiệu cho thấy lớp màng acid trên da bạn đã bị phá vỡ. Nhiều bạn vẫn còn lầm tưởng và nghĩ rằng do sữa rửa mặt làm sạch rất tốt và thường xuyên rửa mặt hơn - đây là một sai lầm khủng khiếp.
Mục đích của chúng ta là làm sạch da mà không làm mất đi lớp dầu tự nhiên. Điều này khiến cho "phương pháp làm sạch da bằng dầu" trở nên phổ biến. Phương pháp này giúp lại bỏ các cặn bẩn, tạp chất nhưng vẫn giữ lại lớp dầu trên da. Ngoài ra, dầu không có độ pH nên không phải lo lắng về độ kiềm khi chọn loại nào để sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là khả năng gây bít tắc và sinh mụn.
Tuy nhiên, tất cả những điều này không có nghĩa là bạn nên ngừng sử dụng sữa rửa mặt vì sợ làm hỏng lớp màng acid. Thực tế, việc rửa mặt là rất quan trọng, nhưng để giữ cho lớp màng acid bảo vệ da được ổn định và không bị phá vỡ, hãy chọn loại sữa rửa mặt có độ pH tương tự với độ pH của da (từ 4.5 - 5,5).
Nói chung, độ pH 5,5 là thích hợp khi nó không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật trên da như các loại xà phòng kiềm. Đối với cá nhân mình, bất kỳ loại sữa rửa mặt nào có độ pH lớn hơn 6,0 cũng không nên sử dụng. Đó là lý do vì sao bạn không bao giờ được bôi baking soda lên mặt...
Tại sao baking soda có hại như vậy nhưng vẫn được các "chuyên gia làm đẹp" khuyên dùng?
Đây là một câu hỏi hay! Mình đã có một bài viết nói về việc "Tại sao không nên sử dụng baking soda trên da mặt?". Nhưng dường như ở Việt Nam, mọi người vẫn chia sẻ nhan nhản các công thức làm đẹp từ baking soda trên internet. Có 2 lý do đó là: Sự thiếu kiến thức và lợi nhuận.
Trong khi các công ty sản xuất mỹ phẩm cố gắng gây ra thêm nhiều vấn đề về da để bạn phải mua thêm nhiều thứ hơn thì các trang web thiếu uy tín khác lại cố gắng đăng các bài viết câu view để kiếm tiền từ quảng cáo mà đôi khi họ chẳng biết họ đang viết cái gì.
![]() |
Baking soda có độ pH rất cao, tuyệt đối đừng dùng nó lên mặt |
Vì vậy, lời khuyên cho bạn là hãy luôn tỉnh táo đừng làm mồi cho tiếp thị, đừng sử dụng và làm theo những mẹo làm đẹp thiếu cơ sở khoa học trên internet. Hãy luôn luôn nhớ một nguyên tắc:
Trước khi sử dụng một sản phẩm trên da mặt, hãy luôn kiểm tra thông số pH của sản phẩm đó. Hầu hết các sản phẩm sữa rửa mặt nói riêng và chất tẩy rửa nói chung (kể cả các sản phẩm được khuyên dùng cho da nhạy cảm) đều ít nhiều có khả năng gây kích ứng - điều này liên quan đến độ pH của sản phẩm đó.
Vậy chúng ta có cần sử dụng toner để cân bằng pH sau khi rửa mặt không?
Việc có cần sử dụng toner sau khi rửa mặt hay không thì còn phụ thuộc. Toner ban đầu được thiết kế với tác dụng giảm độ pH da, đưa độ pH của da trở về trạng thái cân bằng sau khi rửa mặt. Tuy nhiên, kể từ khi biết được tác động xấu của sữa rửa mặt có tính kiềm mạnh gây ra, các hãng mỹ phẩm đã phát triển các loại sữa rửa mặt có độ pH thấp và lành tính hơn để giảm kích ứng và thực hiện thay công việc của toner.
Nếu bạn đang tuân theo nguyên tắc kiểm tra độ pH của sản phẩm trước khi sử dụng như ở trên thì việc sử dụng toner là không cần thiết. Tuy nhiên, trong các routine chăm sóc da người của Á Đông, luôn có một bước sử dụng "toner acid" sau bước rửa mặt. Và mình sẽ nói về điều này trong một bài viết khác.
![]() |
Trong routine của người Á Đông thường có bước sử dụng Toner sau khi rửa mặt. Nhưng nếu bạn chọn đúng sữa rửa mặt có pH cân bằng thì Toner là không cần thiết. |
Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc kiểm tra độ pH và không biết phải lựa chọn loại sữa rửa mặt nào. Dưới đây là các sản phẩm sữa rửa mặt yêu thích của mình, chúng đều có dịu nhẹ và có độ pH cân bằng:
- Acne.org Cleanser: Độ pH 5,5. Phù hợp cho da thường.
- CeraVe Foaming: Độ pH 5,5. Phù hợp cho da thường đến da dầu.
- La Roche Posay Toleriane Hydrating Gentle Facial Cleanser: Độ pH 5,5. Phù hợp cho da thường, da khô và da nhạy cảm.
- Vanicream Gentle Facial Cleanser: Độ pH 6-7. Phù hợp cho da thường đến da dầu.
Sản phẩm chăm sóc da phát huy tác dụng phụ thuộc độ pH.
Trong thế giới chăm sóc da, có một số thành phần nhất định yêu cầu độ pH cụ thể để có thể phát huy tác dụng - điều này được gọi là sự phụ thuộc vào độ pH. Các sản phẩm phụ thuộc độ pH cần được hiệu chỉnh đến độ pH thích hợp để phát huy tác dụng và độ pH này có thể không gần với độ pH của da, dễ gây kích ứng.
![]() |
Các thành phần chăm sóc da phụ thuộc độ pH cần được hiệu chỉnh đến độ pH thích hợp để có thể phát huy tác dụng |
Ví dụ điển hình cho sự phụ thuộc pH là các loại acid tẩy da chết như BHA (Acid salisylic) và AHA (acid glycolic, acid lactic, acid mandelic). Mối liên hệ giữa độ pH của sản phẩm và sức mạnh thực sự của chúng được biểu hiên qua thông số "Free Acid Value" (FAV) - hay "Giá trị acid tự do".
Free Acid Value (FAV) - Giá trị acid tự do: Khi một acid được pha chế ở độ pH dưới 2,0 thì toàn bộ acid ở trong dung dịch đó ở trạng thái "tự do" và hoạt động.
Ví dụ: Một sản phẩm BHA 20% ở độ pH 2,0 thì toàn bộ 20% acid trong đó là tự do và phát huy tác dụng. Nhưng nếu nâng độ pH lên càng gần 7,0 thì càng có ít acid trong tổng số 20% đó thực sự hoạt động.
Mặc dù đúng là độ pH thấp sẽ khiến cho tỉ lệ acid hoạt động nhiều hơn, thấm sâu vào da cũng như hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng độ pH 2,0 là quá nguy hiểm cho da mặt, gây kích ứng và thậm chí là bỏng da. Đây cũng là lý do vì sao bạn không nên sử dụng nước chanh trên da, nước chanh có độ pH 2,0 rất dễ kích ứng và ngoài ra nó còn chứa chất độc quang học.
Vì vậy, để ít gây nên kích ứng nhất có thể, các nhà sản xuất phải chấp nhận nâng độ pH của sản phẩm lên và "hy sinh" một phần acid tự do trong đó.
Sau đây là các hoạt chất và sản phẩm phụ thuộc độ pH:
1. AHAs (acid glycolic, acid lactic, acid mandelic)
Độ pH: 4 hoặc thấp hơn
Các sản phẩm:
- PC's 8% AHA Gel
- Drunk Elephant TLC Framboos Glycolic Night Serum
- Silk Natural's 8% AHA Toner
- Cosrx AHA 7 Whitehead Power Liquid
2. Acid Azelaic
Độ pH: từ 4 đến 6. Độ pH 4,9 là lý tưởng
Các sản phẩm:
- GIGI Bioplasma Azelaic Cream 15%
- Ecological Formulas Melazepam Cream
- 20% Skinoren Cream
- 15% Finacea Gel
3. BHA (Acid salicylic)
Độ pH: 4 hoặc thấp hơn
Các sản phẩm:
- Paula's Choice RESIST Daily Pore-Refining Treatment 2% BHA
- Paula's Choice Skin Perfecting 2% BHA Liquid
- Stridex Strength Medicated Pads
- Cosrx BHA Blackhead Power Liquid
4. Niacinamide
Độ pH: từ 5 đến 7
Các sản phẩm:
- Cosrx Galactomyces 95 Whitening Power Essence
- CeraVe Moisturizing Facial Lotion PM
- EltaMD UV Clear SPF 46
- Mad Hippie Face Cream with Anti Wrinkle Peptide Complex
5. Retinoids (retinol, tretinoin, adapalene...)
Độ pH: phụ thuộc từng chất
- Paula's Choice CLINICAL 1% Retinol Treatment with Peptides & Vitamin C for Deep Wrinkles
6. Vitamin C
Độ pH: phụ thuộc vào loại vitamin C, các bạn có thể tham khảo bài viết này: Cách chọn vitamin C phù hợp với làn da.
Các sản phẩm:
- Sodium Ascorbyl Phosphate (pH 6-7)
- Mad Hippie Vitamin C Serum
- L- Acid Ascobic (pH 3-3,5)
- Drunk Elephant C-Firma Day Serum
- Timeless Skin Care 20% Vitamin C Plus E Ferulic Acid Serum
- JJ Lab's Vitamin 20% C Serum
- Skinceuticals C E Ferulic
- Paula's Choice Resist C15 Super Booster
Thời gian giãn cách khi sử dụng các sản phẩm phụ thuộc độ pH:
Như đã nói ở trên, các sản phẩm phụ thuộc pH hoạt động ở một độ pH cụ thể. Do đó, việc sử dụng nhiều sản phẩm có độ pH khác nhau trong cùng một routine có thể khiến chúng triệt tiêu tác dụng của nhau hoặc gây ra các phản ứng có hại.
Ví dụ: Khi sử dụng tẩy da chết BHA (pH dưới 4) và Niacinamide (pH 5-7) trong cùng một routine. BHA sẽ vô hiệu hóa tác dụng chống oxy hóa của Niacinamide. Trong trường hợp này, pH của BHA ảnh hưởng nhiều hơn đến Niacinamide hơn là Niacinamide ảnh hưởng đến BHA. Do đó, đừng sử dụng chung 2 sản phẩm này quá gần nhau nếu bạn muốn Niacinamide hoạt động.
Nguyên tắc chung là đợi 20-30 phút giữa các sản phẩm acid hoặc các thành phần phụ thuộc độ pH thấp, trước khi chuyển sang bước tiếp theo trong routine làm đẹp. Đây là khoảng thời gian đủ để độ pH của acid (dưới 4,0) được trung hòa hiệu quả bởi làn da (4,5-5,5).
Thứ tự sử dụng các sản phẩm trong chăm sóc da.
Đây là thứ tự sử dụng các sản phẩm chăm sóc da tối ưu mình khuyên dùng dựa trên độ pH. Vì sử dụng loại sữa rửa mặt dịu nhẹ nên mình đã bỏ đi bước toner, nhưng nếu bạn không tự tin vào loại sữa rửa mặt đang dùng, bạn có thể thêm toner vào sau bước rửa mặt. Quy trình như sau:
- Làm sạch da bằng dầu, dầu rửa mặt.
- Sữa rửa mặt có độ pH dịu nhẹ (5.5 trở xuống)
- Vitamin C (acid ascorbic). Chờ 20-30 phút.
- BHA. Chờ 20-30 phút.
- AHA (acid glycolic, acid lactic, acid mandelic). Chờ 20-30 phút.
- Retinoids (Tretinoin, Retinol)
- Các thành phần điều trị các vấn đề da (ví dụ như Benzoyl Peroxide, Azelaic Acid).
- Chất dưỡng ẩm.
- Chất khóa ẩm (Vaseline, Aquaphor)
Quy trình này là giả sử routine của bạn phức tạp và có rất nhiều chất như thế này. Bạn có thể tham khảo và bỏ qua vài bước nếu quy trình chăm sóc da của bạn đơn giản.
Qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn tổng thể hơn về độ pH trong chăm sóc da rồi phải không! Hy vọng bài viết này sẽ cho bạn nhiều kiến thức, giúp bạn chọn được sản phẩm có pH phù hợp và xây dựng thứ tự sử dụng các sản phẩm chăm sóc da một cách hợp lý.
Nếu có câu hỏi hoặc ý kiến, hãy để lại cho chúng mình trong phần bình luận bên dưới nhé!