Chào mọi người, hôm nay mình sẽ viết về Cetaphil Gentle Skin Cleanser! Chắc chắn các bạn đã nghe thấy hoặc nhìn thấy nó ở đâu rồi vì đây thực sự là một sản phẩm quá nổi tiếng trong thế giới sữa rửa mặt. (Mình thấy trên các kệ ở tạp hóa, siêu thị, hiệu thuốc... Không mâm nào là thiếu mặt em này cả!!!)
Sữa rửa măt Cetaphil Gentle Skin Cleanser. |
Vì sao Cetaphil lại phổ biến như vậy? Có thực sự tốt hơn các loại sữa rửa mặt khác không? Và nó thích hợp dùng cho những loại da nào? Bài viết này sẽ giải đáp những câu hỏi trên đồng thời làm rõ những lấn cấn "khó chịu" trong bảng thành phần của em nó!!!
1. Đôi chút về thương hiệu:
Cetaphil Gentle Skin Cleanser là sản phẩm sữa rửa mặt của công ty dược mỹ phẩm danh tiếng nước Pháp Galderma
(nghe tên có quen không?). Đúng vậy! Đây là công t đứng sau các sản
phẩm trị mụn nổi tiếng như Differin, Epiduo, Proactiv, Cetaphil,
Loceryl, Benzac AC... là công ty
đã nghiên cứu và phát hiện ra Adapalene (một retinoid thế hệ 3 giảm kích
ứng trong trị mụn trứng cá) - Đã đủ "uy tín" chưa =))
Galderma là công ty đứng sau sự thành công của nhiều sản phẩm nổi tiếng |
Có thể thấy sản phẩm của Galderma phần lớn đều là các Treatment trị mụn có khả năng làm khô da và gây kích ứng mạnh, đây cũng là lý do giải thích cho sự nhẹ nhàng, cân bằng pH đến bất ngờ của Cetaphil khi họ khuyến khích dùng đồng bộ cũng như để bán kèm với những Treatment này.
2. Phân tích thành phần của Cetaphil Gentle Skin Cleanser.
Thành phần:
Nước, Cetyl Alcohol, Propylene Glycol, Sodium Lauryl Sulfate, Stearyl Alcohol, Methylparaben, Propylparaben, Butylparaben.
Bảng thành phần sữa rửa mặt Cetaphil |
Giá bán:
- 64.000 VND / chai 59 mL
- 114.000 VND / chai 125 mL
- 221.000 VND / chai 250 mL
- 276.000 VND / chai 500 mL
Bảng thành phần cực kỳ đơn giản và không có gì để nói quá nhiều, chỉ bao gồm 4 nhóm chính: Chất làm mềm, chất giữ ẩm, chất làm sạch, chất bảo quản.
1. Chất làm mềm (Cetyl Alcohol, Stearyl Alcohol)
Tại sao một sản phẩm được quảng cáo nhẹ nhàng cho da nhạy cảm lại chứa cồn? Đây chắc là câu hỏi của rất nhiều bạn. Nhưng xin đừng nhầm lẫn giữa "cồn khô" và "cồn béo" chỉ vì trong tên gọi có từ "Alcohol".
- Cồn khô: bao gồm ethanol, methanol, ethyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol.
- Cồn béo: bao gồm cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol...
Loại cồn gây khô da và kích ứng bạn đang nghĩ tới là cồn khô. Nó có cấu trúc phân tử nhỏ có thể thâm nhập sâu vào các lớp trên của da, được sử dụng trong mỹ phẩm để làm dung môi hòa tan, làm sạch dầu trên da, tăng tính thấm cho hoạt chất hoặc làm chất bảo quản. Thường xuất hiện trong các sản phẩm toner hoặc nước hoa.
Khác với cồn khô, thứ xuất hiện trong Cetaphil là 2 loại cồn béo: Cetyl Alcohol và Stearyl Alcohol. Chúng có nguồn gốc từ acid béo, có dạng sáp mềm và cấu trúc phân tử lớn hơn nhiều. Vì vậy, khi thoa, chúng chỉ nằm trên bề mặt da và hoạt động như một chất làm mềm, giữ ẩm cho da theo cơ chế Emollients. Cồn béo thường được dùng trong các sản phẩm kem dưỡng ẩm, sữa rửa mặt...
2. Chất giữ ẩm (Propylene Glycol)
Propylene Glycol là thành phần giữ ẩm cực kỳ phổ biến, nó xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm dưỡng ẩm và bôi ngoài da (không tin cứ bốc thử bất kỳ loại kem nào mà bạn có và kiểm chứng nhé!!)
Đây là chất giữ ẩm "lưỡng tính" (haha! Cái này do mình tự đặt ra) vì nó hoạt động theo cả 2 cơ chế: Emollients và Humectants. Tức là vừa làm mềm, mịn da ngay lập tức, vừa có đặc tính hút nước từ môi trường và lớp hạ bì lên trên bề mặt da (tất nhiên là không thể mạnh như Hyaluronic acid, nhưng cũng gần bằng glycerin rồi!!)
Propylene Glycol có dạng lỏng sệt, khi kết hợp với
2 loại cồn béo ở trên, mình nghĩ rằng chính nó đã tạo nên sự nhờn nhờn
sệt sệt của Cetaphil.
3. Chất làm sạch (Sodium Lauryl Sulphate)
Sodium
Lauryl Sulphate (SLS) hay còn gọi là Natri lauryl sulphate là chất hoạt
động bề mặt, thường xuất hiện trong các sản phẩm xà phòng và tẩy rửa.
Nó có 1 đầu thân nước và 1 đuôi thân dầu. Làm sạch theo cơ chế đuôi thân
dầu sẽ bắt lấy chất bẩn còn đầu thân nước sẽ hòa cùng nước và từ đó dễ
dàng rửa trôi đi.
Ngoài ra, trong một số sản phẩm như Cetaphil, Sodium Lauryl Sulphat còn đóng vai trò chất nhũ hóa, làm giảm sức căng bề mặt các pha, giúp ổn định các thành phần bên trong (không bị tách lớp).
Một số ý kiến cho rằng Sodium Lauryl Sulphate có tính kiềm có thể gây tổn hại lớp màng acid và làm khô da!! Trên lý thuyết thì đúng là như vậy, nhưng trong công thức của Cetaphil, dường như nồng độ SLS là khá thấp cộng với việc kết hợp với lượng lớn các thành phần dưỡng ẩm ở trên thì bạn cũng không cần phải quá lo lắng.
Để xác nhận điều này, mình đã thử đo pH của Cetaphil bằng quỳ tím (hình phía dưới). Kết quả nhận được Cetaphil Gentle Skin Cleanser có độ pH = 6,5. Một kết quả khá tốt, tuy chưa phải lý tưởng nhất với da người là 5,5 nhưng nó vẫn nằm trong khoảng pH acid (nước có pH trung tính là 7, dưới con số này là acid và trên là kiềm).
Cetaphil có độ pH nằm trong vùng acid, không làm tổn hại lớp màng bảo vệ da. |
Độ pH này được mình thử trong cả 2 trường hợp: với Cetaphil "nguyên chất" từ trong lọ và pha trộn với nước tương tự như cách chúng ta rửa mặt. Cả 2 đều cho kết quả giống nhau (đương nhiên rồi, nếu kết quả mà khác nhau thì xem lại nguồn nước :D). Do vậy các bạn hoàn toàn có thể yên tâm với tính dịu nhẹ của Cetaphil nhé!!)
4. Chất bảo quản (Methylparaben, Propylparaben, Butylparaben)
Thông thường mình chẳng bao giờ phân tích những thành phần như này cả, vì đây chỉ là chất phụ gia. Nhưng trường hợp này thì lại khác, có quá nhiều băn khoăn, thậm chí là "quay xe" vì paraben xuất hiện tận 3 lần trong bảng thành phần.
Paraben được ghi nhãn với tên hydrobenzoate ở một số thị trường. |
Động thái của Galderma là họ chỉ đổi từ "paraben" thành "hydroxybenzoate" (tên gọi khác của paraben) trên nhãn dán ở một số thị trường. Vậy phải có lý do gì khiến họ nhất quyết sử dụng thành phần này mặc kệ có bị tẩy chay? Liệu paraben có tệ hại đến thế không? Mình quyết định viết 1 phần lớn phía dưới cho bạn nào muốn tìm hiểu, còn ai lười đọc thì có thể lướt qua nhé!!!
3. Paraben có thực sự tồi tệ?
Parabens được phát triển vào những năm 1920, là chất bảo quản được sử dụng rộng rãi nhất trong mỹ phẩm, xuất hiện trong hơn 85% sản phẩm. Parabens phổ biến vì lý do chính đáng: rẻ tiền, hiệu quả với lượng rất nhỏ, hoạt động tốt trong hầu hết các sản phẩm và chống lại nhiều loại vi khuẩn khó chịu.
Nhưng trong 2 thập kỷ trở lại đây, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi về tính an toàn của paraben:
Đầu tiền, nghiên cứu của Routledge et al vào năm 1998 phát hiện ra rằng parabens có tính estrogen yếu ở chuột - nghĩa là, chúng liên kết với các thụ thể estrogen và do đó có thể hoạt động như hormone sinh dục nữ. Việc tiếp xúc quá nhiều với estrogen có liên quan đến sự phát triển của ung thư vú và rối loạn sinh sản. (Xem nghiên cứu tại đây)
Năm 2004, nhóm nghiên cứu của Darbre báo cáo rằng họ tìm thấy paraben trong 20 khối u vú khác nhau của con người (Xem nghiên cứu tại đây). Nghiên cứu này đã đẩy mối quan tâm về paraben lên mức cao nhất lịch sử. Là ngòi nổ cho các chiến dịch vận động kêu gọi cấm paraben trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Đáp lại, Đan Mạch đã cấm sử dụng paraben trong các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh vào năm 2011.
Ủy bản EU (không cấm paraben như một số tin đồn) đã xác nhận rằng methylparaben và ethylparaben là an toàn, có thể dùng ở nồng độ tối đa cho phép. Butylparaben và propylparaben cũng an toàn với nồng độ dưới 0,19%. Còn đối với các parabens khác như isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben không cho phép sử dụng không phải vì những bằng chứng về tác hại mà vì "thiếu dữ liệu". (Xem hướng dẫn của ủy ban EU về paraben tại đây)
Năm 2014, một nghiên cứu khác (cũng của nhóm Darbre) báo cáo rằng kết hợp sử dụng nhiều paraben với nhau có thể gây ra sự phát triển nhanh chóng của ung thư vú trong ống nghiệm. (Xem nghiên cứu tại đây)
Tại sao paraben vẫn không bị cấm?
Sẽ
có nhiều người nghĩ rằng "những bên được hưởng lợi từ paraben đã dùng
TIỀN! TIỀN! TIỀN! để lấp liếm đi tác hại với những bên quản lý khiến nó
vẫn được cho phép" (mình cũng đã từng nghĩ vậy!!). Tuy nhiên, thực sự
thì paraben đã bị truyền thông bôi xấu!! Thoạt nhìn thì những nghiên cứu
ở trên có vẻ liên quan nhưng sau khi đã xem xét chúng, hầu hết các nhà
khoa học và các cơ quan quản lý cũng không lo lắng, bởi các lý do sau:
Nghiên
cứu Routledge năm 1998 chỉ ra rằng paraben thực sự rất yếu, nó yếu hơn
estradiol (hormone sinh dục tự nhiên ở nữ) từ hàng nghìn đến hàng triệu
lần). Như methylparaben yếu hơn estradiol 2.500.000 lần ở trong ống
nghiệm và hoàn toàn không hoạt động trên chuột. Đến paraben mạnh nhất là
Butylparaben so với estradiol cũng yếu hơn 10.000 lần trong ống nghiệm
và yếu hơn 100.000 lần khi thử nghiệm trên chuột. (Xem lại nghiên cứu tại đây)
Hơn nữa, nghiên cứu của Routledge được thực hiện theo đường tiêm trực tiếp tĩnh mạch, sinh khả dụng là 100% và cao hơn gấp nhiều lần so với bôi ngoài da (mình tin rằng chẳng ai dùng cetaphil để tiêm vào mạch máu cả, haha!!)
Còn đối với nghiên cứu của Darbre năm 2004, các phương tiện truyền thông đã yếu kém trong việc giải thích các thông tin khoa học, cộng với những lời "bàn tán, thì thầm" đã khiến nghiên cứu này bị bóp méo mó. Bởi lẽ:
- Nghiên cứu này đã không so sánh giữa mô ung thư với mô bình thường, tức là họ tìm thấy paraben trong mô ung thư nhưng không có nghĩa là những mô bình thường không có. Và kể cả nếu nồng độ paraben trong mô ung thư có cao hơn mô thường thì cũng không chứng minh nó là nguyên nhân của ung thư (bởi vì ai dám chắc paraben gây ra ung thư hay chính ung thư làm paraben tăng cao ??). Đây không phải là bào chữa mà ngay cả với estradiol, việc tìm thấy nhiều estradiol trong mô vú cũng được chứng minh là không có mối liên hệ nào với ung thư (xem nghiên cứu tại đây).
- Một thiếu sót nữa của nghiên cứu này là họ tìm thấy paraben trong cả các mẫu trắng, có nghĩa là thiết bị đã nhiễm paraben trước đó (dễ hiểu thôi, vì paraben ở khắp mọi nơi). Điều này chứng tỏ trong mô vú không có paraben hoặc nếu có thì với một lượng rất nhỏ tính bằng nanogam/gam. Sẽ đáng lo ngại nếu chúng có hiệu lực nhưng với nghiên cứu của Routledge ở trên thì ta biết nó vô hại.
Sau khi bị giới khoa học chỉ trích nghiên cứu thì chính nhóm của Darbre đã đính chính rằng:
"Nghiên cứu của chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố rằng paraben gây ra ung thư vú, và việc định lượng 1 hợp chất trong mô không thể cung cấp bằng chứng về mối quan hệ nhân quả."
Tuyên bố này được đưa ra 6 tháng sau nghiên cứu đầu tiên, nhưng các phương tiện truyền thông đã phớt lờ mà không đưa tin "nhiệt tình".
Đọc hết phần này thì bạn đã có được thông tin chính xác về paraben. Việc có dùng các sản phẩm chứa paraben như cetaphil hay không là tùy thuộc vào bạn. Quan điểm cá nhân, mình tin tưởng nó không tồi tệ, mà tồi tệ hơn là bôi cả đống vi khuẩn lên mặt khi không có chất bảo quản nào đủ "uy tín".
4. Đóng gói sản phẩm, kết cấu, mùi hương và cảm nhận khi dùng.
Mình "bén duyên" với Cetaphil cũng khá lâu rồi, từ cái thời nó mới về Việt Nam, tại các nhà thuốc lúc đó họ bán cho mình gói dùng thử gồm 1 chai sữa rửa mặt cetaphil nhỏ (29ml) tặng kèm với 1 tuýp kem dưỡng ẩm cetaphil (15g). Ok - tuýp dưỡng ẩm đó tạm bỏ qua đi vì chúng ta đang nói về sữa rửa mặt mà =)))
Cetaphil bản dùng thử 29ml và bản thương mại 250ml |
Quy cách đóng gói của Cetaphil Gentle Skin Cleanser bản dùng thử và thương mại không khác nhau nhiều, vẫn là dạng chai nhựa trắng, nắp xanh cùng nhãn dán với 2 màu trắng xanh chủ đạo (đặc trưng của Galderma). Sự khác biệt là bản dùng thử và chai thể tích nhỏ không có vòi bơm trong khi những chai thể tích lớn hơn thì có. Nhãn dán ở bản dùng thử vẫn để chất bảo quản là "paraben", trong khi bản thương mại đã đổi thành "hydroxybenzoate", (chỉ là tên gọi khác, chẳng có sự thay đổi thành phần nào cả). Thỉnh thoảng mình vẫn bắt gặp từ paraben trong các bản thương mại, nói chung là tùy thị trường.
Giá bán:
- 64.000 VND / chai 59 mL
- 114.000 VND / chai 125 mL
- 221.000 VND / chai 250 mL
- 276.000 VND / chai 500 mL
Về kết cấu,
Cetaphil Gentle Skin Cleanser có dạng lỏng hơi sền sệt, màu trắng đục như nước vo gạo,
có những "hạt" óng ánh khi để dưới ánh sáng. Không mùi, nhưng cảm giác
vẫn có mùi thuốc nhẹ.
Kết cấu dạng lỏng sệt, màu trắng đục của Cetaphil. |
Khi sử dụng, Cetaphil lướt trên da cực kỳ mượt mà, không hề cảm nhận được ma sát. Thêm nước vào và dùng tay xoa, không tạo bọt.
Thấy chưa! Cetaphil không hề tạo bọt. |
Sau khi rửa sạch, cảm nhận đầu tiên là da rất mềm mại và ẩm ướt. Mình dùng từ "ẩm ướt" bởi nó không sạch bong kin kít mà vẫn có cảm giác nhờn nhờn như 1 lớp màng mỏng phủ lên. Cá nhân mình rất thích bởi chứng tỏ nó không phá vỡ lớp màng acid và có thể dùng được hàng ngày nhưng điều này phần nào sẽ gây khó chịu cho những bạn bị hội chứng OCD (ám ảnh sạch sẽ!!).
Sau khi xài hết gói dùng thử, mình quyết định mua chai 250ml, dường như kết cấu của bản thương mại đã thay đổi, đúng là nó sạch sẽ hơn và lớp màng phủ cũng nhẹ hơn nhưng đấy mới chính là điểm đặc biệt mà mình thích ở bản dùng thử (tiếc là chẳng bao giờ mua lại được nó nữa!).
5. Cách sử dụng Cetaphil Gentle Skin Cleanser.
Không giống như hầu hết các loại sữa rửa mặt khác, dạng lỏng sệt không tạo bọt của Cetaphil khiến mọi người hơi bối rối không biết có cần thêm nước vào hay không?
Thật ra có 2 cách để sử dụng:
- Cách 1 (Không dùng nước): Lấy 1 lượng Cetaphil vừa đủ, thoa đều lên da, massage nhẹ nhàng rồi dùng khăn hoặc vải mềm lau sạch mặt. Cách này sẽ tạo 1 lớp màng dưỡng ẩm bao phủ da. Thích hợp áp dụng cho type da khô và da đang điều trị Treatment.
- Cách 2 (Dùng nước): Tương tự như cách 1 nhưng sau khi massage, dùng thêm nước để rửa sạch sau đó mới lau với khăn hoặc vải mềm. Cách này sạch sẽ hơn trong việc loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn và lớp trang điểm nhẹ.
Dùng Cetaphil với nước sẽ loại bỏ dầu thừa, bụi bẩn cũng như lớp trang điểm sạch sẽ hơn. |
6. Sữa rửa mặt Cetaphil Gentle Skin Cleanser thích hợp cho da nào?
Cetaphil
được Galderma khuyến khích dùng đồng bộ với các Treatment của
họ. Sự cân bằng pH cộng với dưỡng ẩm thì nó rất thích hợp cho da khô,
da nhạy cảm dễ nổi mụn.
Đúng là da dễ kích ứng hoặc da khô dùng Cetaphil là chuẩn bài rồi (vì hiện nay cũng không có nhiều sữa rửa mặt dành cho type này). Nhưng thế còn da dầu, da hỗn hợp thì sao??
Phiên bản phổ biến nhất của Cetaphil có thể dùng cho mọi loại da, kể cả da dầu. |
Có thể mọi người không để ý, trên nhãn của Cetaphil Gentle Skin Cleanser in dòng chữ "FOR ALL SKIN TYPES". Nhiều người (kể cả các beauty blogger) khuyên rằng không nên dùng nó cho da dầu vì lo ngại sẽ làm nặng thêm tình trạng đổ dầu và gây bí da - Đây là 1 quan điểm sai lầm!!
Cần hiểu rằng: bản chất của da dầu là "da bị mất nước" mà nguyên nhân phổ biến nhất do lớp màng acid (có tác dụng dưỡng ẩm và bảo vệ) bị phá hủy. Điều này giải thích tại sao những bạn da dầu cố gắng rửa mặt 2 lần/ngày bằng những sữa rửa mặt mạnh càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Cetaphil có độ pH cân bằng, không phá hủy màng acid, cũng sẽ là lựa chọn thích hợp cho cả da dầu. Tuy rằng nó có thể gây chút khó chịu cho những bạn mắc hội chứng "ưa sạch sẽ", nhưng tin mình đi, tập làm quen với nó và chỉ cần 1 tháng thôi (khi lớp acid mantle được phục hồi) làn da của bạn sẽ tự kiểm soát được đầu.
Giấy thấm dầu sau 30 ngày sử dụng Cetaphil. |
Điểm trừ duy nhất của Cetaphil là không thật sự làm sạch lớp trang điểm đậm (vì nó không được tạo ra cho mục đích này). Cụ thể, cetaphil có thể loại bỏ lớp trang điểm nhẹ nhàng như BB Cream, phấn phủ. Tuy nhiên, với lớp trang điểm dày có sử dụng kem lót, kem che khuyết điểm thì mình e rằng bạn cần phải dùng thêm nước tẩy trang để làm sạch trước.
Cetaphil không loại bỏ được son lì và lớp trang điểm đậm. |
7. Tổng kết:
Cetaphil Gentle Skin Cleanser là sữa rửa mặt mà mình tin rằng bất kỳ tín đồ yêu da nào cũng đã từng sử dụng, nhưng vì lý do nào đó mà có thể đã "đường ai nấy đi" =)) Qua bài viết này, mình muốn nói rằng Cetaphil thực sự không tệ, thậm chí là rất tốt, nó phù hợp cho mọi loại da và đặc biệt an toàn cho da nhạy cảm hoặc đang điều trị Treatment.
Nhiều người còn lấn cấn vì trong công thức Cetaphil có paraben, nhưng mình đã nói ở trên (nếu bạn chịu khó đọc hết) sẽ thấy nó hoàn toàn không đáng lo ngại. Nhược điểm duy nhất của em này là bạn sẽ phải dùng thêm tẩy trang riêng với lớp trang điểm đậm. Nhưng mình thực sự đánh giá cao nó vai trò một sữa rửa mặt cơ bản.