Bài viết này nói về Urea - một trong 3 thành phần chăm sóc da mà mình yêu thích nhất (2 cái còn lại là Hyaluronic acidNiacinamide, Ok cho những ai tò mò thôi!!). Em này là một "cạ cứng" mà mình nghĩ sẽ dùng nó cho đến khi hết muốn skincare!! Vậy Urea là gì? Tác dụng ra sao mà mình lại "trung thành" như vậy? Cùng tìm hiểu qua bài viết này. À mà nói trước, đây sẽ là một bài viết mang tính học thuật khá dài, những bạn theo chủ nghĩa "nhanh và ngắn" có thể rời đi được rồi :D

Serum và kem dưỡng Urea của Skinceutical và Hada Labo.
Serum và kem dưỡng Urea của Skinceutical và Hada Labo.

Trước khi bắt đầu, hãy đến với trích dẫn của Tiến sĩ Albert Kligman vĩ đại - người đã sáng chế ra tretinoin:

Đôi khi chúng ta cố gắng tìm kiếm những thành phần hoạt chất mới mà quên đi mất những cái cũ. Một số thứ bị coi là bỏ đi nhưng lại tỏ ra hữu ích trong những trường hợp mà các hoạt chất tiên tiến hơn đã thất bại. Trong các thành phần điều trị tại chỗ, Urea là một loại thuốc như vậy (1)

Tiến sĩ Albert Kligman - Cha đẻ của Tretinoin.
Tiến sĩ Albert Kligman - Cha đẻ của Tretinoin.

Đây chắc chắn không phải là "sai sót nào đó" của ngài tiến sĩ, bởi ông đã nói điều này hơn 70 năm trước. Và cho đến khi qua đời vì tuổi già (năm 2010) quan điểm này vẫn được giữ nguyên.

1. Urea là gì?

Urea (hay còn gọi là carbamide) là một hợp chất tinh thể hữu cơ, là sản phẩm phân hủy nitơ chính của quá trình chuyển hóa protein. Hay nói một cách "thô thiển" thì đây là chất thải ra khi cơ thể sử dụng protein.

Ủa là sao? "Chất thải của một người sẽ là kem dưỡng da của người khác??" Um, đúng vậy!! Trong khi cơ thể cố gắng thải ra thì chúng ra lại bôi nó lên mặt!!!

Urea chủ yếu được bài tiết qua mồ hôi và nước tiểu, đó là lý do tại sao những thứ gớm ghiếc như "liệu pháp nước tiểu" lại tồn tại.

Cho những bạn chưa biết thì "liệu pháp nước tiểu" là việc dùng nước tiểu bôi lên da như một loại thuốc. Và trong cuộc khảo sát trên Acne.org, liệu pháp này được đánh giá rất cao bởi những người đã thực sự dùng nó. (Hình bên dưới)

Trong cuộc khảo sát trên Acne.org, liệu pháp nước tiểu được đánh giá rất cao bởi những người đã dùng nó.
Trong cuộc khảo sát trên Acne.org, liệu pháp nước tiểu được đánh giá rất cao bởi những người đã dùng nó.

Nếu ai đó nghĩ rằng "bôi nước tiểu lên da" là xu hướng mới xuất hiện thì có thể phải nghĩ lại:

Người Aztec và người Ai Cập cổ đại đã sử dụng nước tiểu của chính mình để tăng cường sức khỏe, chữa bệnh và cải thiện nhan sắc. Vào thế kỷ 17, phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc Pháp được cho là tắm bằng nước tiểu để làm đẹp da. Những người nông dân Mexico trộn nước tiểu trẻ em với bột ngô tạo thành hỗn hợp sền sệt đắp lên da để chữa gãy xương. (Nguồn tại đây)

Ok, việc bạn cần làm bây giờ quá đơn giản rồi phải không, chỉ cần đái vào cái chai, cất tủ lạnh rồi thoa lên mặt vào mỗi buổi tối để có một làn da đẹp. Cảm ơn đã đọc bài viết này, hy vọng mọi người thích nó!!

Dùng nước tiểu thoa lên mặt để dưỡng da - quá easy phải không >.<
Dùng nước tiểu thoa lên mặt để dưỡng da - quá easy phải không >.<

Hahahah!!! đùa đấy, đừng làm theo nha, mình cũng không nghĩ có ai đủ "can đảm" làm điều này cả =)))

Thật may mắn là Urea trong các sản phẩm skincare được sản xuất tổng hợp từ phòng thí nghiệm, vì vậy chúng ta sẽ không cần phải sử dụng nước tiểu của chính mình nữa!!! Yeah...

2. Tác dụng của Urea trong chăm sóc da.

Urea được biết tới với 2 đặc tính: TIÊU SỪNGDƯỠNG ẨM - bản chất 2 của dụng này rất hiếm khi đi kèm với nhau (ví dụ: tẩy da chết AHA, BHA luôn kèm theo khô da). Điều này khiến Urea trở nên cực kỳ đặc biệt.

Mình xin trích dẫn một nghiên cứu:

Việc giảm thoát hơi nước qua biểu bì (TEWL) quan sát được sau khi điều trị với Urea dài ngày là ngoài dự đoán bởi các đặc tính tiêu sừng, hydrat hóa và tăng tính thấm của Urea (xem nghiên cứu)

NGHĨA LÀ UREA CÓ THỂ VỪA TẨY DA CHẾT, VỪA DƯỠNG ẨM CÙNG MỘT LÚC - WoW !!!

Urea là một trong những yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên của da (Natural moisturizing factor - NMF). Cho ai chưa biết thì NMF được tạo thành từ 40% acid amin, 12% Natri PCA, 9% glycerol và 8,5% urea (xem tại đây). Đây đều là những chất hút ẩm (giữ nước), rất cần thiết để duy trì sức khỏe, chức năng và sự hydrat hóa của lớp sừng. (2)

Tương tự các hợp chất tự nhiên khác của da, urea giảm dần theo tuổi tác khiến da trở nên khô và nhăn nheo. Hãy luôn nhớ rằng: "Hydrat hóa da là nguyên tắc sống còn để gìn giữ thanh xuân".

P/s:
À quên!! Còn kem chống nắng nữa... Sử dụng kem chống nắng nữa nha.

Ở làn da khỏe mạnh, Urea có nồng độ trung bình 28mg/in², con số này giảm đáng kể trong những tình trạng da khô. Ví dụ: Ở bệnh vẩy nến, Urea thấp hơn 40% so với nhóm khỏe mạnh và ở bệnh chàm, nồng độ urea giảm tới 85% (Xem nghiên cứu)

Việc bổ sung những gì da bị thiếu hụt là một ý tưởng hay, không có gì lạ khi Urea được chứng minh điều trị thành công cả bệnh vẩy nến và bệnh chàm.

Urea còn có tác dụng gì nữa không?

Ngoài 2 tác dụng tẩy da chết và tiêu sừng như đã nói ở trên, Urea còn có thể biến làn da của bạn thành "Rambo" =))

Urea thực sự có thể biến da bạn trở thành Rambo - mình đồng da sắt =))
Urea thực sự có thể biến làn da trở thành Rambo - mình đồng da sắt =))

Tại sao mình lại nói thế? Bởi vì các nghiên cứu đã cho thấy nó làm giảm độ nhạy cảm của da với Sodium lauryl sulfate (SLS) chỉ sau 3 lần thoa. (Xem nghiên cứu)

Cho bạn nào chưa biết thì SLS là chất tẩy rửa rất mạnh và là nguyên nhân gây ra viêm da tiếp xúc (xem nghiên cứu tại đây). Hãy kiểm tra xem nếu trong sữa rửa mặt có thành phần này và bạn bị khô da kích ứng, tốt nhất nên thay ngay bằng một sữa rửa mặt khác :P

Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy Urea giúp điều trị bệnh da sần, khô da, viêm da dị ứng (Eczema), viêm da tiếp xúc, viêm da do bức xạ, bệnh vẩy nến, viêm da tiết bã, nấm móng, nấm da, á sừng và ngứa. (Xem nghiên cứu tại đây)

Mình sẽ không đi sâu vào chi tiết các nghiên cứu từng được thực hiện về Urea đối với các tình trạng da nói trên bởi sẽ mất rất nhiều thời gian và có thể mọi người sẽ...buồn ngủ. Đối với những ai quan tâm thì có thể đọc "tổng quan toàn diện về Urea trong nghiên cứu lâm sàng" - Bản PDF này bao gồm 81 nghiên cứu khác nhau.

3. Cơ chế hoạt động của Urea

Cơ chế hoạt động của Urea đến nay vẫn chưa được biết đến đầy đủ, nhưng các nghiên cứu đã cho thấy 2 tác dụng "tiêu sừng""dưỡng ẩm" của urea có được là do phá vỡ các liên kết hydro trong lớp sừng, nới lỏng chất sừng ở biểu bì và tăng các vị trí liên kết với nước. (Xem nghiên cứu tại đây)

Điều khiến khả năng dưỡng ẩm của Urea trở nên khác biệt so với các loại dưỡng ẩm khác là nó cho tác dụng cả tại chỗ và cả ở cấp độ tế bào. Nghĩa là khi thoa lên da, Urea sẽ làm giảm mất nước qua biểu bì giống như hầu hết các loại kem dưỡng ẩm khác, đồng thời cũng tác dụng mở rộng đến hoạt động bên trong của da.

Trong khi phần lớn các loại kem dưỡng ẩm chỉ có thể tạo độ ẩm tức thì, nó giống như một giải pháp tạm thời thì Urea vừa có thể dưỡng ẩm, vừa cải thiện khả năng tạo và giữ nước của da. (Xem nghiên cứu)

Tại sao chúng ta biết Urea thực sự hoạt động như vậy?

Bằng cách quan sát các thành phần cụ thể của da (những thứ đã giúp da khỏe mạnh) giữa có và không sử dụng Urea.

Ví dụ: Khi bôi Urea trực tiếp, nó làm tăng sự hình thành Filaggrin - một loại protein quan trọng để giữ cân bằng nội môi. Nó cũng giúp xây dựng cơ chế bảo vệ da và tạo một hàng rào lipid (hình bên dưới). (Xem nghiên cứu tại đây)

Urea mang đến sự thay đổi cho da ở cấp độ tế bào.
Urea mang đến sự thay đổi cho da ở cấp độ tế bào.

Bức hình trên cho thấy Urea đang biến da của bạn thành "Siêu saiyan" - Theo nghĩa đen thì Urea giống như hạt đậu senzu vậy đó!! (Ai không biết đậu senzu là gì thì bấm vô đây nha!)

Siêu saiyan và đậu senzu.
Siêu saiyan và đậu senzu.

Một số nghiên cứu khác thậm chí còn xếp Urea vào nhóm "chất điều hòa phân tử gen" hoạt tính cao bởi nó tác động đến sự phân hóa tế bào sừng, tổng hợp lipid và tăng cường sản xuất peptide kháng khuẩn. Tất cả điều này đã dẫn đến cải thiện chức năng hàng rào thẩm thấu, tăng bảo vệ kháng khuẩn. (Xem nghiên cứu tại đây)

Urea có giúp điều trị mụn trứng cá không?

Hai nguyên nhận gây mụn phổ biến nhất là "vi khuẩn""bít tắc lỗ chân lông"

Tương tự các chất tẩy da chết khác như BHA, BHA thì Urea sẽ giúp điều chỉnh chu kỳ tế bào để da chết bong ra khi cần thiết. Từ đó giúp giảm bít tắc, tăng cường chức năng hàng rào và giúp điều chỉnh vi khuẩn tốt và xấu trên da.

Hiện nay, không có nhiều nghiên cứu chính thức nào nói về tác dụng này của Urea đối với vi khuẩn cả. Tuy nhiên, một trong số những peptide kháng khuẩn mà Urea tăng cường (LL-37) đã được chứng minh là có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trong ống nghiệm (Xem nghiên cứu)

Ngoài ra, mình cũng tìm thấy 2 nghiên cứu khác cho thấy Urea ức chế trực tiếp malassezia (một loại nấm gây mụn trứng cá rất phổ biến) (nghiên cứu 1, nghiên cứu 2)

Nói chung, tuy Urea không dành cho mục đích trị mụn những ít nhất thì chúng ta vẫn có cơ sở để tin rằng nó sẽ giúp cải thiện được phần nào đó.

4. Urea có an toàn hay không?

Theo cơ sở dữ liệu Cosmetics Info, các nghiên cứu đã cho thấy, Urea rất an toàn ngay cả khi dùng trên da với liều lượng lớn, các nguy cơ và tác dụng phụ là rất thấp.

Tác dụng phụ phổ biến nhất có thể gặp là khả năng gây kích ứng da nhẹ, ngứa, châm chích hoặc rát. Tương tự như tẩy da chết hóa học, nhưng yên tâm đi, nó vẫn nhẹ nhàng hơn AHA và BHA rất nhiều.

Ngoài ra, tác dụng tăng thẩm thấu của Urea cũng giống như con dao 2 lưỡi. Mặt tốt là nó tăng hấp thu các thành phần khác trong routine chăm sóc da, nhưng nó cũng làm trầm trọng thêm các kích ứng nếu da bạn nhạy cảm với một chất nào đó.

5. Nên chọn các sản phẩm Urea có nồng độ bao nhiêu?

Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm chăm sóc da chứa Urea thường có nồng độ từ 2% đến 40%. Việc chọn loại nào tùy thuộc vào tùy thuộc vào tình trạng da và mục đích bạn hướng đến.

1. Urea nồng độ dưới 10%.

Nồng độ Urea dưới 10% chủ yếu chỉ hoạt động như kem dưỡng ẩm (xem nghiên cứu tại đây). Những loại kem chứa Urea nồng độ thấp sẽ rất thích hợp cho những bạn da khô và đang điều trị sâu bên trong các nguyên nhân dẫn đến khô da.

2. Urea nồng độ từ 10 - 20%.

Cũng theo nghiên cứu phía trên, Urea nồng độ từ 10 - 20% có thêm tác dụng tiêu sừng. Nghĩa là vừa tẩy da chết nhẹ nhàng kết hợp dưỡng ẩm.

Những sản phẩm chăm sóc da có nồng độ Urea 20% được khuyến nghị dùng cho các trường hợp da thô ráp và muốn đẩy nhanh quá trình thay da mới.

Khả năng dưỡng ẩm của Urea tỉ lệ thuận với nồng độ. Nhưng nếu bạn chỉ dùng nó cho mục đích này thì nên chọn loại dưới 10%. Bởi nồng độ cao cũng đồng nghĩa rằng tẩy da chết hoặc kích ứng cũng mạnh hơn.

3. Urea nồng độ cao 20% - 40%.

Urea ở 20 - 40% được đánh giá là chất tẩy da chết cực kỳ mạnh mẽ. Nhưng kể cả ở 40%, cảm nhận của mình là nó vẫn nhẹ nhàng hơn BHA 2% khá nhiều (nhẹ nhàng ở đây là mình nói về cảm giác ngứa rát, châm chích nhé!).

Sử dụng Urea 40% sau 12 ngày - Các dấu hiệu tăng sừng giảm đi rõ rệt.
Sử dụng Urea 40% sau 12 ngày - Các dấu hiệu tăng sừng giảm đi rõ rệt. 

Những sản phẩm loại này thích hợp nhất cho những trường hợp nghiêm trọng hơn như điều trị vẩy nến, da cứng chai sần, nấm móng tay chân... Là lựa chọn tốt để thay thế AHA/BHA khi da nhạy cảm với các chất này.

6. Phân biệt một số loại Urea.

Urea dùng trong mỹ phẩm hoàn toàn được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ Amoniac và cacbon dioxide. Nhưng không phải loại Urea nào cùng giống nhau, các bạn chú ý nhé.

Có 3 loại dẫn xuất Urea thường gặp nhất trong mỹ phẩm: Hydroxyethyl UreaDiazolidinyl UreaImidazolidinyl Urea.

  • Hydroxyethyl Urea: Loại này an toàn và mang những đặc tính tiêu biểu nhất của Urea, được dùng như 1 thành phần hoạt tính trong các loại kem dưỡng.
  • Diazolidinyl UreaImidazolidinyl Urea: Với đặc tính kháng khuẩn, nấm mốc thì 2 em này được dùng như là chất bảo quản mỹ phẩm. Tuy nhiên, chúng cũng bị "dính phốt" là không an toàn bởi được chứng minh là giải phóng Formaldehyde.

Liệu có thể dùng Urea nguyên chất (Carbonyl diamide) trong chăm sóc da không?

Đó là một thắc mắc vừa "hài hước" vừa "có lý" mà mình nhận được. Nhưng thôi nào!! Đây là loại dùng để bón ruộng chứ không phải để bôi lên mặt đâu nha! Tốt nhất vẫn phải là Hydroxyethyl Urea nhé!

Đây là tinh thể Hydroxyethyl Urea - trông khá giống loại để bón ruộng!!
Đây là tinh thể Hydroxyethyl Urea - trông khá giống loại để bón ruộng!!

7. Một số sản phẩm chứa Urea khuyến nghị.

"Liệu Urea có phải quá mới mẻ, mình chẳng thấy loại kem dưỡng nào chứa nó cả!!" - Đó là khi bạn coi Urea là một thành phần phụ kém quan trọng nên thường không để ý. Còn những em có thành phần Urea chủ đạo thì mức giá khá đắt đỏ và thường khó mua ở Việt Nam nên mức tiếp cận không cao.

Sau đây là một số khuyến nghị tóm tắt của mình:

1. Hada Labo Skin Plumping Gel Cream

Em này chứa Hydroxyethyl Urea - một dẫn xuất của Urea cùng với 3 loại hyaluronic acid khác nhau và ceramides. Ưu điểm là không chứa cồn. Tác dụng dưỡng ẩm phục hồi mạnh. Việc tập hợp nhiều thành phần "siêu sao" khiến nó có mức giá khá chát (nhưng vẫn chưa là gì so Skinceuticals đâu nha!)

Hada Labo Skin Plumping Gel Cream
Hada Labo Skin Plumping Gel Cream

Giá bán: 320.000 VND / hũ 50g

Mua sản phẩm tại Shopee

2. Hada Labo Premium Lotion

Một em nữa của nhà Hada Labo, cũng chứa Hydroxyethyl Urea và 5 loại hyaluronic acid khác nhau, không chứa cồn. Đây được coi là bản "Premium" của Hada labo Hyaluronic acid lotion (loại toner cuối cùng mình sử dụng) - nó nâng cấp cả về thành phần và giá tất nhiên cũng cao hơn nữa.

Hada Labo Premium Lotion
Hada Labo Premium Lotion

Giá bán: 280.000 VND / 170mL

Mua sản phẩm tại Shopee

3. Kem dưỡng ẩm Eucerin Advanced Repair

Thành phần chứa Urea với tác dụng cấp ẩm cho làn da khô, duy trì phục hồi hàng rào độ ẩm. Ưu điểm là không chứa cồn, có size nhỏ nên mức giá cũng dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nó cũng chứa một số este, có thể không phù hợp cho những bạn da mụn do nấm.

Eucerin Advanced Repair
Eucerin Advanced Repair

Giá bán: 140.000 VND / 78g

Mua sản phẩm tại Shopee

4. Kem dưỡng da mặt Eucerin Replenishing Face Creme

Thành phần chứa 5% Urea. Có các este có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nổi mụn do nấm.

Eucerin Replenishing Face Creme
Eucerin Replenishing Face Creme

Giá bán: 315.000 VND / 50mL

Mua sản phẩm tại Shopee

5. Skinceuticals Retexturing Activator

Đây là một loại serum dưỡng ẩm và tẩy da chết nhẹ chứa 25% hydroxyethyl urea (dẫn xuất của Urea). Tác dụng dưỡng và tái tạo bề mặt da. Ưu điểm là an toàn cho những da nhạy cảm với nấm.

Skinceuticals Retexturing Activator
Skinceuticals Retexturing Activator

Tuy nhiên, cũng giống như các sản phẩm khác của nhà Skinceuticals, nhược điểm luôn là mức giá quá khó tiếp cận. Mình sẽ có bài review để xem tại sao nó lại đắt như vậy và liệu có xứng đáng với giá tiền không nhé!

Giá bán: 1.750.000 VND / 30mL

Mua sản phẩm tại Shopee

6. Sebamed Extreme Dry Skin Relief Face Cream

Chứa 5% urea. Thành phần cũng bao gồm este, không an toàn cho da nhạy cảm với nấm.

7. Excipial Urea Hydrating Healing Lotion

Chứa 10% urea. Chứa dầu và este có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nổi mụn do nấm.

8. Hamilton Skin Active Urederm Cream 10% Urea

Chứa 10% urea. Thành phần không an toàn cho da nhạy cảm với nấm.

9. Fuyunhon Super Efficacy Cream 10% Urea

Chứa 10% urea. Thành phần không an toàn cho da nhạy cảm với nấm.

10. Kem dưỡng ẩm làm dịu da Uremol 10

Chứa 10% urea. Thành phần không an toàn cho da nhạy cảm với nấm.

8. Tổng kết.

Urea được cơ thể sản xuất ra tự nhiên và là một thành phần thiết của NMF (các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên) của da. Nhờ đó Urea được sử dụng để dưỡng ẩm sâu và điều trị khô da ở cấp độ tế bào.

Tác dụng tiêu sừng đi kèm dưỡng ẩm có một không hai của Urea sẽ rất phù hợp cho những bạn cần một giải pháp tẩy da chết nhẹ nhàng thay thế AHA/BHA.

Bên cạnh đó, Urea còn có một số tác dụng khác như kháng khuẩn, kháng nấm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và tăng hấp thu các thành phần hoạt chất khác.

Có thể thấy Urea có những phẩm chất của một thành phần "siêu sao" và đa năng - đó cũng chính là lý do vì sao em này là một trong những thứ mình thích nhất bên cạnh Niacinamide và HA. Hy vọng bạn thích bài viết này, cảm ơn đã đọc nó!!!

Bài viết này hữu ích không?